[Cảm nhận] Không kịp nói yêu em – Phỉ Ngã Tư Tồn

Nếu mình viết bài này cách đây ít ngày, tức là lúc mới vừa đọc xong Không kịp nói yêu em, có lẽ mình sẽ thể hiện cảm xúc gay gắt hơn nhiều. Bẵng đi vài hôm làm cho cảm xúc của mình về truyện nhạt bớt, nhưng kèm theo đó cũng là góc nhìn câu chuyện này đổi khác đi xíu xiu.

Bài viết có tính chất spoil (Mà thật ra bài nào mình chả spoil =”=).

Chuyện tình yêu của Mộ Dung Phong với Doãn Tĩnh Uyển được đặt ở bối cảnh thời Dân Quốc. Đó là một tình yêu kiểu mẫu giữa anh hùng với mỹ nhân trong thời chiến loạn, mà hệ quả tất yếu là anh hùng phải lựa chọn một trong hai thứ: hoặc giang sơn, hoặc mỹ nhân.

Doãn Tĩnh Uyển là con gái độc nhất của gia đình tài phiệt họ Doãn, vì thế mà từ nhỏ đã được học hành ở nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây phóng khoáng và tiên tiến. Gốc gác này tạo cho cô một đầu óc thông minh, một tính cách cương liệt, gan dạ mà rất bản lĩnh. Bởi thế, dù Mộ Dung Phong không phải là tình đầu của Tĩnh Uyển, nhưng tình yêu của anh ta lại mang một sức cám dỗ đầy mê hoặc. Câu nói “Anh sẽ đem cả thiên hạ đặt trước mặt em” quả có một lực hút cực mạnh, làm Tĩnh Uyển day dứt và do dự rất nhiều, đến cuối cùng không cưỡng lại được tình cảm mà quyết định đặt cược cho một cơ hội làm cuộc sống của mình ở tương lai không chìm trong viễn cảnh tẻ nhạt.

Riêng về Mộ Dung Phong.

Khác với câu hỏi khắc khoải lúc đọc xong Đông Cung: “Lý Thừa Ngân đã quên hay còn nhớ?”, mình không hề có chút lợn cợn nào về việc bé Đô Đô liệu có phải con của Mộ Dung Phong hay không. Mà may quá, theo mấy cái hóng được bên nhà Schan thì chị Phỉ đã confirm bé là con Tín Chi (hahahaha).

Tình yêu của anh ta với Tĩnh Uyển, nhiều hơn nồng nhiệt và thật lòng, chính là một tư tưởng chiếm hữu đầy độc đoán.

Đứng trên khía cạnh khách quan, Mộ Dung Phong sinh ra là đứa con trai duy nhất trong nhà, nên sớm đã định sẽ là người kế tục Mộ Dung Thần lãnh đạo Thừa quân. Được nuôi dạy trong một gia đình quân phiệt như thế, lẽ tất yếu là tính cách anh ta cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ban đầu tính cách “quân phiệt” này không được thể hiện rõ ràng. Hoặc, mình xin cá là có nhiều độc giả thích cái tính “bá đạo” của anh ấy lắm. Nếu như câu chuyện không được định sẵn một cái kết bi kịch, hoặc nếu cách xây dựng của nó giống phim, Mộ Dung Phong sẽ không bị mình không ưa.

Xét cho cùng, như những gì mình mới hóng hớt bên nhà Schan về mấy mẩu chuyện xoay quanh tiểu thuyết này, thì Doãn Tĩnh Uyển đã sớm move on để tìm về với cảm giác bình yên bên cạnh Tín Chi. Lòng tự trọng của cô không chấp nhận nổi một tình yêu đã bị chính đối phương hạ nhục, vậy nên cô đau khổ, nhưng rồi thời gian đủ sức mài mòn vết thương, nên cô từ bỏ, chấp nhận quay về với bến đỗ bình yên. Dù có thể mãi về sau, Doãn Tĩnh Uyển vẫn còn yêu Mộ Dung Phong, nhưng thực tế là bánh xe quá khứ chỉ duy nhất bị mắc kẹt lại tại chỗ của Mộ Dung Phong mà thôi.

Với Tĩnh Uyển, Mộ Dung Phong đã từng yêu cuồng nhiệt, từng có biết bao kỷ niệm đẹp, sau này lại mãi nhớ về cô như một vết dao đâm “hễ cứ động vào lại loét ra”, nhưng tình yêu này không toàn vẹn. Anh ta cứ muốn giữ rịt lấy Tĩnh Uyển cho mình, như một món đồ must-have, đến mức sau này, đỉnh điểm của mối tình tuyệt vọng đến mức biến thành cực đoan là giết chết Tín Chi và bé Đô Đô. (Đây là không nhắc đến chi tiết Mộ Dung Phong và Trình Cẩn Chi bất hòa nhưng vẫn có tới… 4 người con =”=. Mình cũng không biết nói sao với cái chi tiết này.)

Ở những chương cuối cùng đậm chất bi kịch của truyện, mình lại không thấy nặng nề mà đã vô cùng hả hê khi Tĩnh Uyển nhắm mắt mà miệng vẫn còn lấp lửng câu nói “Con bé là… con bé là… là của…” rồi tắt thở. Và càng hả hê hơn khi Cẩn Chi vạch trần sự thật là Tĩnh Uyển đã chọn cách nói đó như cách trả thù dã man nhất đối với quãng đời còn lại của Mộ Dung Phong.

Rốt cuộc Tĩnh Uyển đã đánh cược tuổi trẻ cho cảm giác phiêu lưu bay bổng có phần nông nổi, để đổi lại một cái giá quá đắt. Tự nhiên lại liên tưởng tới phút hành động mang tính chất thay đổi cuộc đời của Nhược Hy khi đối diện với quyết định tứ hôn cho Thập Tứ của Khang Hy, hay Trâu Vũ khi không kìm được lòng mà đến bên Lâm Khải Chính.

May mắn là cuối cùng, cô ấy xem như đã có cuộc đoàn tụ mang tính HE với cha con Trình Tín Chi.

Tóm lại thì, có ai thấy Hứa Kiến Chương thật thảm như mình không?

2 bình luận cho “[Cảm nhận] Không kịp nói yêu em – Phỉ Ngã Tư Tồn”

  1. Mình thích cách bạn review truyện lắm. Mấy bài review của bạn mình đều có cùng suy nghĩ có điều không viết ra thành lời hay như bạn :3

Gửi phản hồi cho dongynhi Hủy trả lời