Kitchen

Kitchen (Banana Yoshimoto) không phải là một câu chuyện dễ đọc, mặc dù nói cho đúng ra, tôi hiếm khi thấy một tác giả Nhật nào có lối viết truyện có thể được hiểu là “dễ đọc” theo quan niệm cá nhân, kể cả kiểu truyện nhẹ nhàng như Socrates in love của Katayama Kyoichi.

Có một thứ trong Kitchen mà tôi thấu cảm rõ ràng nhất và cũng làm tôi lắng lòng nhất, ấy là nỗi cô đơn. Có những lúc biết rằng xung quanh mình rất nhiều, rất nhiều người; cũng có lúc hiểu rằng sống là phải tiến về phía trước, phải bước đi thì mới dám đấu tranh để vượt thoát cảm giác mênh mông trống trải cá nhân; ừm, biết thì vẫn biết thế, nhưng sao mà tránh khỏi đôi lúc lạc nhịp dừng bước, nhìn lại phía sau, rồi giật mình không nhận ra ta là ai, ta đang đứng ở đâu, ta đang làm gì?

“Mỗi lần bất chợt nghĩ ra, rằng gia đình tôi, một thứ đã tồn tại thật trên cõi đời này, cứ mất dần đi từng người, từng người theo năm tháng, và rốt cuộc chỉ còn lại mình tôi nơi đây, tôi bỗng thấy mọi thứ trước mắt đều giống như một lời nói dối. Trong căn phòng nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi sững sờ vì thời gian qua đi đã để lại những vết chân hằn sâu đến thế và chẳng còn ai khác nữa ngoài tôi.”

“Khi một đoàn lái buôn trên sa mạc vừa đi khuất, là sẽ có một đoàn khác bắt đầu. Sẽ có những người còn gặp lại. Và có cả những người không gặp lại bao giờ. Những người sẽ ra đi không báo trước, những người chỉ là chút thoáng qua. […] Dõi theo dòng sông đang chảy, nhưng mình vẫn phải sống.”

Tôi đặc biệt thích phần “Lời nhà xuất bản” in ở đầu sách. Câu từ gọt giũa cẩn trọng mà sắc sảo, cùng với một thứ cảm nhận tinh tế và sâu sắc cũng như chính những gì tác giả đã thể hiện trong trang viết.

 

Hôm trước có đọc qua một oneshot của chị bạn gửi nhờ cho ý kiến – cảm xúc, kể cũng hơi giật mình với những gì chị viết. Chị bảo chị viết oneshot ấy sau một cơn mơ, không nghĩ gì, cứ thế mà tuôn ra vậy thôi. Thực ra nỗi buồn trong truyện Nhật cũng không phải là thứ cao siêu xa vời gì lắm đâu? Thẳm sâu trong mỗi cái tôi đang sống, bước đi và hít thở, luôn tồn tại một góc nào đó, góc cảm xúc nơi con người đô thị hiện đại “đi tìm hơi ấm” cho riêng mình.

 

Comment